Ngày 20/12, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Công nghệ sinh học ứng dụng”. Hội thảo nhận được sự quan tâm tham gia của hơn 500 nhà quản lý, nhà khoa học.
TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian quý báu, tích cực viết bài, thẩm định, tham gia, chia sẻ ý kiến thảo luận tại Hội thảo, đồng thời cho biết: Nhiều quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam đang đầu tư phát triển công nghệ sinh học là mục tiêu chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Những ứng dụng Công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc đối với bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng, văn hóa và xã hội toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030, đó là xây dựng nền công nghệ sinh học vững mạnh, với đội ngũ nhân lực chất lượng cao và phát triển công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng. Đây là một chiến lược giúp đất nước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và bảo đảm sự phát triển bền vững.
TS Dương Thăng Long nhấn mạnh: Sứ mạng của trường Đại học Mở Hà nội đã được xác định rất rõ ràng “Mở cơ hội – Mở trái tim – Mở trí tuệ – Mở tầm nhìn – Mở tương lai”. Trong đó “Mở trí tuệ” đó là kiến tạo tri thức góp phần phát triển toàn diện con người. Điều này đã được cụ thể hóa vào mục tiêu chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2017 – 2026, tầm nhìn đến 2035, Nhà trường chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo định hướng ứng dụng, nâng cao năng lực đội ngũ thông qua các nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo chuyên ngành, hội thảo khoa học quốc tế, và nâng cao uy tín của nhà trường qua việc công bố các kết quả khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong suốt 31 năm qua, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng gắn liền với phục vụ cộng đồng. Đơn vị đã đạt nhiều thành tựu đáng kể đóng góp hoàn thành mục tiêu tiêu quan trọng của nhà trường. Nhiều thế hệ học viên tốt nghiệp là thạc sỹ kĩ sư, cử nhân, các nhà khoa học trong tương lai có đủ kiến thức, trí tuệ, tay nghề, đạo đức, khả năng tự chủ tự chịu trách nhiệm để cống hiến, xây dựng, tạo sự đột phá và chuyển mình của đất nước.
TS Lưu Quang Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS Lưu Quang Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Có thể thấy rằng nhà trường đã khẳng định rõ mục tiêu chiến lược phát triển rất thể hiện bằng triết lý 5 chữ “Mở” là “Mở cơ hội – Mở trái tim – Mở trí tuệ – Mở tầm nhìn – Mở tương lai”. Điều này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhà trường với tư duy mở, kiến tạo tri thức góp phần phát triển toàn diện con người thông qua giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã và đang mở rộng kết nối, gắn kết giáo dục với sự phát triển khoa học công nghệ của quốc gia và thế giới, phục vụ cộng đồng và hướng tới sự phát triển bền vững.
“Tôi thật sự ấn tượng với các kết quả nghiên cứu trong năm 2024 của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm với tổng cộng 7 bài báo ISI, Scopus, Web of Science, 10 bài báo trình bày tại các hội thảo quốc tế, và 20 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Ngoài ra, Viện còn triển khai 2 đề tài cấp bộ và 4 đề tài cấp cơ sở, đã kí hợp tác với 10 doanh nghiệp về đào tạo thực tế nguồn nhân lực. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta trao đổi, thảo luận và chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những thành tựu nổi bật, cũng như những giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học vào các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, TS Lưu Quang Minh chia sẻ.
Một số hình ảnh các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận về nhiều bài tham luận của các diễn giả, các chuyên gia, cán bộ, giảng viên, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm liên quan đến các vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực đời sống: Các kết quả nghiên cứu, định hướng về Công nghệ sinh học cơ bản trong di truyền truyền phân tử, tế bào và hóa sinh; Các kết quả ứng dụng nghệ sinh học trong trong dược phẩm, y học, công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.
Hình ảnh các đại biểu phân tích, chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS TS Tạ Thị Thu Thủy – Viện trưởng Viện CNSH&CNTP ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo. Đồng thời mong muốn, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu đến từ trong và ngoài nước, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan, Ban tổ chức hội thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để phát triển ngành công nghệ sinh học nước nhà cũng như giúp nhà trường xác định các vấn đề quan trọng, định hướng đúng đắn cho sự phát triển ngành công nghệ sinh học trong thời gian tới.