Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, Trường Đại học Mở Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới công tác giảng dạy học môn học Giáo dục Quốc Phòng – An Ninh.
Nhà trường đã đổi mới tổ chức chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, tăng cường vấn đề về an ninh, đảm bảo an ninh học đường; triển khai, áp dụng các phương pháp hiệu quả, ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy, tổ chức thực hiện thắng lợi việc đổi mới giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh. Nhà trường nhận thức được rằng nếu phương pháp giảng dạy GDQPAN tốt sẽ phát huy những tài năng quân sự từ học sinh, sinh viên. Trong tình hình hiện nay, giảng viên giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh ngoài việc truyền đạt những kiến thức liên quan còn giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên, để các thế hệ trẻ có ý thức tốt hơn về nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Sinh viên trong giờ học online học phần II. Công tác quốc phòng và an ninh
Để nâng cao chất lượng GDQPAN, làm cho môn học này dễ nhớ dễ học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Mở Hà Nội liên tục đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy các học phần của môn học này. Các môn học lý thuyết tưởng chừng như “khô khan” nhưng dưới các bài giảng điện tử với hình ảnh minh họa trực quan, lôi cuốn đã trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn.
Một buổi học trực tuyến môn Giáo dục Quốc phòng, An Ninh
Thầy Thái Hồng – Giảng viên Trung tâm GDTC&QPAN, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Dạy online các nội dung về Quân sự chung tôi thấy sinh viên hào hứng hơn. Giảng viên cũng có thể phát huy tối đa lợi thế của công nghệ thông tin như sử dụng video, các thước phim tư liệu lịch sử, hình ảnh,…để minh họa cho nội dung bài học”.
Thầy Thái Hồng trong một giờ dạy học trực tuyến học phần “Quân sự chung”
Nguyễn Minh Ánh, lớp Luật K20A1 hào hứng chia sẻ: “Hôm nay em học nội dung dân tộc, tôn giáo và đấu tranh phòng chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam do thầy Trần Viết Thái giảng dạy. Nội dung môn học nghe thì tưởng chừng khô khan nhưng qua bài giảng điện tử với hình ảnh thực tế, trực quan như thước phim lịch sử, văn hóa nên em thấy rất dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn, khiến em thêm yêu và tự hào là người Việt Nam”.
Nguồn: Đại học Mở Hà Nội đổi mới phương thức giảng dạy Giáo dục Quốc phòng – An ninh (hou.edu.vn)