Ngày 9/11, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khai mạc hoạt động khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành: Công nghệ sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật viễn thông; Kế toán; Luật kinh tế; Ngôn ngữ Anh; Quản trị kinh doanh.
Tham dự khai mạc có PGS TS Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội; GS TS Nguyễn Hữu Đức – Trưởng đoàn cùng các thành viên của Đoàn Đánh giá ngoài. Về phía Trường Đại học Mở Hà Nội có PGS TS Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng cùng các Phó Hiệu trưởng; đại diện Hội đồng tự đánh giá; lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường và đại diện cán bộ, giảng viên tham gia vào công tác phối hợp, hỗ trợ.
PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng giới thiệu khái quát về các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ
Tại chương trình, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng đã giới thiệu những nét nổi bật của 07 chương trình đào tạo thạc sĩ được đánh giá và cho biết: Bảo đảm chất lượng giáo dục luôn là công tác được quan tâm và ưu tiên hàng đầu trong hành trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Các chính sách chất lượng và các quy định, văn bản liên quan trong công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường đã được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.
“Việc thực hiện đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ dựa trên những tiêu chuẩn đánh giá như mục tiêu, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, cơ sở vật chất cho việc dạy và học, ý kiến của các bên liên quan… là cơ hội để toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên cùng tiến hành rà soát, nhìn nhận và đánh giá hiệu quả các hoạt động một cách toàn diện. Từ kết quả đánh giá, Nhà trường sẽ có cơ sở khoa học để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất về chất lượng 07 chương trình đào tạo thạc sĩ, qua đó thực hiện cải tiến góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động chất lượng cao”, PGS TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội trường
PGS TS Nguyễn Thị Nhung bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định chất lượng, Đoàn đánh giá ngoài sẽ có những ghi nhận và đưa ra khuyến nghị phù hợp giúp Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
PGS TS Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc thông qua hệ thống trực tuyến
Khai mạc chương trình, PGS TS Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Hiện nay, chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ có sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội và việc kiểm định chất lượng là một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo nâng cao chất lượng, giúp Nhà trường có giải pháp cụ thể để cải tiến, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, đảm bảo chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng cũng như cam kết cho sự phát triển bền vững của Nhà trường.
“Thông qua đợt khảo sát này, Đoàn đánh giá ngoài sẽ cung cấp góc nhìn rõ ràng, khoa học hơn về tình hình thực tế của Nhà trường nói chung và các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được đánh giá nói riêng, từ đó có các giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người học, qua đó góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của Trường Đại học Mở Hà Nội đối với xã hội”, PGS TS Đinh Văn Toàn tin tưởng.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình
Hoạt động khảo sát chính thức 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường được tiến hành từ ngày 9/11 đến ngày 13/11/2024. Trước đó, Đoàn đánh giá ngoài đã có thời gian dài nghiên cứu tài liệu, khảo sát sơ bộ và làm việc với Nhà trường.
Chuyên gia phỏng vấn cán bộ của Trường
Sau phiên khai mạc, Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài sẽ triển khai các nghiệp vụ đánh giá, tiếp tục nghiên cứu hồ sơ minh chứng, khảo sát thực địa và làm việc trực tiếp với các bên liên quan, tiến hành phỏng vấn đại diện đơn vị sử dụng lao động, cán bộ quản lý, giảng viên, cựu học viên và học viên…
Nguồn: Trường Đại học Mở Hà Nội